Khâm liệm và nhập quan Đám tang người Việt

Khâm liệm là dùng vải để quấn người chết, thường thì người nhà dùng vải thường trắng (đối với gia đình khá giả dùng vải tơ lụa) may làm đại liệm, tiểu liệm.[4] Sau khi niệm xong, những người thân đứng quanh quan tài, nâng người chết bằng 4 góc của tấm vải tạ quan và đặt vào quan tài gọi là nhập quan đối với thị hài nam giới thì nâng lên 7 lần còn đối với nữ nâng lên 9 lần tượng trưng cho số vía. Trên quan tài đặt 1 chén cơm úp (2 chén cơm úp thành 1), trên có cắm đôi đũa và quả trứng gà luộc gọi là cơm bông, xưa có tục cướp cơm bông để cho trẻ ăn để phòng bệnh[11], quan tài phải quay đầu ra ngoài.[12]

Thiết linh sàng, linh tọa

Linh sàng là giường của linh hồn, thường được lập ở phía đông, có quây màn và để gối như lúc sống.[7][13] Linh tọa là bàn thờ đặt trước linh cữu, giữa linh tọa đặt bài vị bằng nan tre ghi họ tên hoặc ảnh người chết, 2 bên có đèn nến, trước có bát nhang, rượu và mâm ngũ quả.[14]

Tang phục

Tục lệ xưa sau khi chết 4 ngày thì con cháu mới mặc đồ tang gọi là lễ thành phục. Tang phục được quy định như sau:[15][16]

  • Con trai: đội mũ rơm quấn bẹ chuối, áo sô gai, cầm gậy (cha mất thì gậy tre, mẹ mất thì gậy vông vì thân tre tròn biểu tượng dương (cha); cành gỗ vông đẽo được thành hình vuông, biểu tượng âm (mẹ)).
  • Con dâu, con gái: áo sô gai, thắt lưng bện bằng bẹ chuối, áo xổ gấu hoặc không (tùy theo cha còn hay mẹ còn, con gái còn ở nhà hay đã xuất giá), đầu chít khăn tang.
  • Cháu nội: đội mũ mấn, khăn trắng, mặc áo thụng trắng.[17]
  • Con rể, anh em trai: mặc áo thụng trắng.
  • Chị em gái: quấn vặn khăn trắng với tóc.

Ngoài ra, theo Quốc triều Hình luật có quy định cách thức mặc đồ tang và thời gian để tang (Hoàng Việt luật lệ về sau cũng không thay đổi), như sau:[18]

Năm hạng áo tangHình thức
Trảm thôi (đại tang)Tang 3 năm (27 tháng), áo vải sô rất xấu, không khâu gấu.
Tư thôi (cơ niên)Tang 1 năm có chống gậy, 1 năm không chống gậy, 5 tháng, 3 tháng; áo may vải sô gai có khâu gấu.
Đại côngTang 9 tháng, áo may vải to sợi.
Tiểu côngTang 5 tháng, áo may vải to sợi.
Ty maTang 3 tháng.
Một số thời hạn để tang đối với những người có quan hệ gần
Quan hệThời hạn để tang
Cố ông/bàTư thôi, 3 tháng
Cụ ông/bàTư thôi, 5 tháng
Ông, bàTư thôi, không phải chống gậy thì 1 năm
Cha, mẹTrảm thôi, 3 năm
Chú, bác, thímTang 1 năm
Cô ruộtCô còn ở nhà: tang 1 năm; lấy chồng: tang 9 tháng
Anh em ruộtTang 1 năm
Chị em dâuTang 9 tháng
Anh em chú bácTang 9 tháng
Chị em ruộtCòn ở nhà: tang 1 năm; lấy chồng: tang 9 tháng
Chị em chú bácỞ nhà: tang 9 tháng; lấy chồng: tang 5 tháng
Con trai trưởng[19]
Con dâu trưởngTang 1 năm
Con trai thứTang 1 năm
Con dâu thứTang 9 tháng

Quốc triều Hình luật không quy định việc để tang đối với bên ngoại và một số mối quan hệ khác, tuy nhiên người dân vẫn dựa theo Thọ Mai gia lễ để chịu tang, cụ thể một số trường hợp sau:[20][21]

Quan hệThời hạn để tang
Cháu ngoạiÔng bà ngoại để tang 3 tháng; cháu dâu, cháu gái đã có chồng: không để tang
Cậu, dì (anh chị em ruột với mẹ)Tang 5 tháng
Mợ (vợ cậu), dượng (chồng dì)Không để tang
Cháu (gọi người để tang bằng cậu)Cậu để tang 5 tháng
Cha mẹ vợTang 1 năm, ngoài ra con rể không phải để tang một người nào khác bên vợ
ChồngTrảm thôi, 3 năm
VợTang 1 năm
Vợ kếNếu có con: tang 9 tháng; không có con: tang 5 tháng
Con rểTang 3 tháng

Phúng điếu

Phúng điếu là sự thăm hỏi, giúp đỡ bằng hình thức tiền bạc, nhang đèn hoặc hoa quả, liễn, văn điếu... Theo tục lệ thì khi chưa mặc tang phục thì không được tiếp khách đến phúng điếu. Khi khách phúng điếu vái lạy người chết thì tang gia phải lạy trả lễ một nửa số vái.[22][23] Ngày nay có một số gia đình không nhận tiền phúng điếu, việc này được ghi rõ trên cáo phó.

Thổi kèn giải

Trong những ngày còn quan tài trong nhà, gia chủ thường mời những ban nhạc đến thổi kèn, sáo, đánh đàn, trống.[17] (gọi là nhạc hiếu). Ngày nay, có thêm những ban kèn tây, đàn guitar, đàn ca tài tử cải lương, hoặc mời cả ban nhạc người chuyển giới đến hát.[24]